Thứ Năm, 1 tháng 11, 2007

Chợ hoa Tết Hà Nội chuẩn bị đón khách


Ven đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài đoạn gần Khu đô thị Ciputra, đã có kẻ bán người mua khá tấp nập. Người ta dừng ôtô lội xuống cả ruộng để chọn đào quất. Hầu hết những cây quất thế đẹp có đủ quả chín, quả xanh, hoa, lộc đã treo biển đề tên khách đặt.
"Mua trước đắt một chút nhưng được cây ưng ý, đợi đến khi ra chợ chọn chỉ còn toàn hàng ở các tỉnh chuyển về. Hầu hết loại này đều được phun thuốc chỉ mùng 2-3 Tết là quả rụng lả tả", anh Nguyễn Minh Phú, nhà ở phố Tô Hiệu (Cầu Giấy) cho hay lý do lặn lội lên tận Phú Thượng đặt quất.

Tiết trời Hà Nội ấm áp là điều kiện lý tưởng để những mắt đào chưa nứt có điều kiện tách vỏ chuyển thành nụ kịp khoe sắc trong 2 tuần nữa. Nông dân Phú Thượng xuýt xoa, thời tiết như hiện nay cứ kéo dài khoảng một tuần nữa, những hộ trồng đào sẽ thắng lớn.

Tại nhiều cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám, Cầu Giấy, Quảng Bá đã xuất hiện mai do các thương lái chuyển từ miền Nam ra. Giá mai khá đắt, phổ biến 300.00-400.000 đồng một chậu nhỏ, cây thế. Với những chậu lớn hơn giá lên tới 1,5-3 triệu đồng/cây. Khách chơi mai thường là những gia đình giàu có hoặc người mua để biếu sếp.

Ngoài mai, đào, quất, những chậu cảnh như sung, lộc vừng, mẫu đơn, hải đường, cúc hay cây thế nhỏ giá 50.00-100.000 đồng chậu được tiêu thụ khá mạnh.

Các chủ cửa hàng cho biết, Tết năm nay sẽ xuất hiện nhiều loại hoa lạ, nhất là các loại hoa hồng, ly ly, cẩm chướng Trung Quốc tràn sang. Nhiều thương lái còn đánh tiếng nhập đào Trung Quốc nhuộm màu giá cực rẻ, chỉ bằng một nửa so với đào cùng loại trồng tại VN.

Không khí mua bán tại khu vực chợ hoa Quảng Bá cũng tập nập từ nhiều ngày nay. Toàn bộ diện tích của khu chợ hoa Quảng Bá lộn xộn trước đây đã được thay bằng các cửa hàng, siêu thị hoa chuyên nghiệp nằm sát nhau như Cửa hàng hoa cây cảnh Trường Xuân, Siêu thị hoa Anh Trí, Vườn Hoàng Lan. Theo quan sát của PV, hầu hết hoa ở các cửa hàng, siêu thị này đều là ngoại nhập, đặc biệt là hoa lan. Các cô gái bán hàng tiếp thị: "Trường Xuân nhập hàng ở tận Đài Loan nên cánh hoa to và đẹp hơn hoa nội, thời gian chơi cũng được lâu hơn. Nếu chăm sóc tốt, có thể chơi được hơn 2 tháng".

Từ 20/1, Hà Nội sẽ có 16 chợ hoa mở cửa phục vụ người dân thủ đô, chưa kể các điểm họp tự phát dọc đường. Giới kinh doanh cho hay ngoài hoa cây cảnh trong nước, các thương lái sẽ nhập khá nhiều hàng từ Trung Quốc, Đài Loan về bán.

Tại Trường Xuân, Hoàng Lan rồi Anh Trí hội tụ đủ các loại lan nào lan hồ điệp, lan vũ nữ, địa lan - phần lớn là nhập từ Đài Loan với giá cỡ nào cũng có. Nếu không có năng khiếu cắm, khách có thể chọn ngay những chậu lan đã được các "chuyên gia" của cửa hàng cắm sẵn trong các chậu bằng sứ hoặc bằng gỗ. Cận thận hơn, khách có thể lựa từng cành lan, chọn mua chậu rồi về nhà tự cắm theo ý thích.

Hoa ngoại, đẹp, chơi được lâu cũng đồng nghĩa với giá bán cao ngất ngưởng. Lan hồ điệp là đắt hơn cả, chậu rẻ nhất cũng phải trên 200.000 đồng, đắt có thể lên tới 2 triệu đồng. Có một chậu lan hồ điệp ở trong cửa hàng của Vườn Hoàng Lan có giá bán lên tới 10 triệu đồng. Tuy nhiên trung bình với 500.000-700.000 đồng khách hàng có thể có được chậu lan đẹp. Theo cách lý giải của những người bán hàng thì "đắt xắt ra miếng", màu của lan hồ điệp rất đa dạng, cánh hoa to, dáng hoa cũng đẹp hơn hẳn hoa nội. Theo giới buôn lan, đây là một loại hoa sang trọng và đắt tiền nên thường được chọn mua để làm quà biếu Tết cho người thân, hay sếp. Các loại lan khác như lan vũ nữ hay địa lan giá rẻ hơn một chút, song trung bình cũng phải 200.000-600.000 đồng mới được một chậu ưng ý.

Theo những người bán hàng thì chơi hoa lan cũng phải biết cách. Người nào chưa biết thì có thể xin tư vấn và người bán luôn sẵn lòng hướng dẫn cách chăm sóc tỉ mỉ. "Để lan đẹp, chơi được lâu thì độ ẩm phải được giữ trong khoảng 50-70%. Cho hoa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào mùa đông, các mùa khác thì cần nhiệt độ che phủ hơn. Tưới hoa cũng phải khéo, không tưới trực tiếp lên hoa để giữ cho cánh không bị nát. 4-6 ngày tưới 1 lần vào lúc sáng sớm hoặc buổi tối", một nhân viên bán hàng tư vấn.

Nguồn: VnMedia

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2007

Sắm quà tết lạ

Những linh vật bằng vàng cũng là món quà Tết đang được ưa chuộng.
Những linh vật bằng vàng cũng là món quà Tết đang được ưa chuộng.

Nhu cầu tìm kiếm những món quà biếu, tặng mới và lạ ngày càng trở thành phổ biến, vượt trội hơn cả những giỏ quà gói sẵn. Khai thác sở thích sản phẩm địa phương, ngoài bánh mứt kẹo đặc sản kiểu Bắc, mặt hàng độc chiêu mới của siêu thị Hà Nội mùa tết này là loại bia lon Hà Nội.

Tại siêu thị Maximark, mặt hàng nhập độc quyền không đụng với bất kỳ nhà phân phối nào tại Việt Nam là bột cam tươi và các loại bánh kẹo Ấn Độ. Kiểu dáng màu sắc lạ hơn, hương vị khác với các loại bánh nội và ngoại nhập trên thị trường nhưng mức giá tương đương hàng nội.

Tại siêu thị Citimart, giỏ quà tết với các loại bào ngư, vi cá, yến sào... ngoại nhập trị giá hàng triệu đồng đang được nhà kinh doanh bổ sung vào danh mục quà tặng tết. Cũng là bào ngư, nhưng sự chênh lệch giá giữa loại nhập từ Trung Quốc và loại nhập từ Nhật thể hiện đẳng cấp riêng cho người tặng. Một chủ sạp hàng khô ở chợ An Đông cho biết: "Có khách đã đặt mua của tôi gần 10 gói đặc sản các loại, giá mỗi gói từ 4 đến 17 triệu đồng”. Sự sành điệu thể hiện trong cách tặng ở chỗ người mua quà còn phải biết chọn cho đủ bộ. Chẳng hạn như hải sâm phải có thêm các vị thuốc quý để tiềm thành món bổ; bào ngư đi với loại rượu thuốc ngâm từ những loại dược liệu quý...

Loại quà tặng đắt giá và hiếm hàng đang được khách mua đặt nhiều nhất ở các cửa hàng thực phẩm hiện nay là rượu mạnh lâu năm và những chai rượu kiểu dáng đẹp khổng lồ hoặc các bộ rượu mini với nhiều nhãn hiệu hoặc theo dòng sản phẩm.

Làm mới gói quà tặng hỗn hợp, Đại Phát năm nay chào dòng sản phẩm bánh mứt mùa tết như vật phẩm tiến vua. Gồm 3 loại lễ hộp Hoàng Triều có trị giá 337.000 đồng; 647.000 đồng và 767.000 đồng. Trong đó, không thể thiếu các loại bánh trái cho năm mới: Phượng lê tô, cá Đinh hương đậu phộng, kẹo táo nhãn nhục, lạp xưởng cá ngừ đen…có bán tại kiosque C8, đường Nguyễn Tri Phương quận 5.

Mốt tặng những linh vật may mắn xuất hiện từ tết năm 2000 nay đã rộ lên giống như phong trào, đặc biệt trong giới làm ăn. Các con linh vật ngoài ứng với 12 con giáp, nó còn như một lời chúc tinh thần. Chẳng hạn tiệm vàng thì phải chưng con Kim tiền (ếch ngồi trên đống vàng, miệng ngậm đồng vàng). Ông T., một chủ tiệm vàng bật mí: "Theo tâm linh, buổi sáng quay mặt Kim tiền ra ngoài để đón tiền vô, buổi tối khi đóng cửa quay nó vô để giữ của”.

Người tặng những món quà này thường khá tinh tế tìm hiểu tuổi tác, những con vật hạp tuổi hoặc những biểu tượng làm ăn phát đạt mà đối tác thích. Giá mỗi con tuỳ theo kích cỡ, trung bình từ 500.000 đồng/trở lên. Linh vật vàng theo các chủ tiệm có nguồn cung cấp từ Đài Loan, được dát một lớp vàng 24K thật mỏng, đủ để tạo độ sáng. Đắt giá nhất hiện nay là bonsai làm bằng vàng, lá và hoa trái điểm bằng đá quý và cẩm thạch. Cây càng sum xuê trái, càng nặng trĩu cành càng được coi là mang nhiều tài lộc và dĩ nhiên giá cũng càng tăng.

Với những loại tranh, tượng, giới săn tìm hàng rất khoái những món quà có vẻ đơn giản nhưng rất độc đáo. Chẳng hạn như câu Phúc lộc an khang được viết trên miếng gỗ hoá thạch, trông vẻ rất đơn sơ, nhưng các vân gỗ chìm ẩn hiện trên mặt hoá thạch đã tạo nên “đẳng cấp".

Giá tham khảo

- Chai bia khổng lồ Heineken: 200.000 đồng/chai

- Bia Hà Nội: 168.000 đồng/thùng

- Cam bột và bánh kẹo Ấn Độ: từ 10.000 - 35.000 đồng/gói hoặc hộp

- Cây bonsai mạ vàng và đá cẩm thạch: từ 200.000 đến 3 triệu đồng

- Bào ngư, vi cá, yến sào... tùy xuất xứ và loại, giá khoảng từ 5 triệu đồng/gói trở lên.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Sức mua hàng Tết tại các siêu thị tăng mạnh



Bánh kẹo, thực phẩm là mặt hàng “hot” nhất dịp Tết.

Hơn một tuần nay, các siêu thị lớn của Hà Nội thường xuyên trong cảnh người đi mua sắm Tết xếp hàng dài chờ thanh toán. Các kệ hàng liên tục được bổ sung rồi lại vơi đi nhanh chóng bởi hàng triệu lượt người chen chân.

Chen chân trong các dãy hàng

Khu hàng thực phẩm dịp giáp Tết đông nghẹt thở. Người xách giỏ, người đẩy xe hàng, tất cả đều đầy chặt những bánh mứt, chè, thuốc. Một “thượng đế” còn phát cáu với xe hàng đầy ắp mà không đẩy, không chen ra được phía quầy thanh toán dù đã dọa “nước sôi” liên miệng.

Siêu thị Metro có đến cả chục dãy hàng thực phẩm, hàng hóa trên các giá được bổ sung liên tục. Vậy mà nhiều mặt hàng vẫn không đủ phục vụ. Khách mua hàng í ới hỏi nhân viên siêu thị loại bánh này, loại cà phê kia ở vị trí nào. Hai phụ nữ đẩy xe hàng lớn chất đầy hộp bánh trỏ phía đầu dãy bánh kẹo kèm theo lời cảnh báo: “Chúng tôi định lấy chục hộp nữa nhưng mà hết rồi”.

Khu hàng bánh mứt ở siêu thị Big C cũng trong cảnh mua bán rộn rã tương tự. Ngoài những dãy hàng đồ hộp, Big C còn một khu vực bán mứt, kẹo, ô mai theo cân lạng tự chọn. “Thượng đế” đứng chen chân quanh những ô, hộp lớn đầy ắp nho khô, hạt dẻ cười, thạch trần... đắn đo xúc vào túi rồi lại bỏ bớt ra.

Vừa mua vừa có thể “nếm” - bánh
mứt cân hút khách.

Cả khu đồ cân ký có khá nhiều bảng yêu cầu “không ăn thử” nhưng các “thượng đế” vẫn khá thoải mái nhón, nếm. Chẳng mấy người tỏ ra kín đáo, giữ ý, cứ điềm nhiên “thử” và bình luận món này ngon, món kia dở đầy vui vẻ, hào hứng. Giá các loại kẹo, bánh, mứt hàng cân ký rất bình dân, chỉ chừng 20.000-35.000đ/kg nên càng thu hút khách hàng.

Các loại hàng khô như gạo, măng, nấm… cũng khá đắt khách. Mặt hàng này trong các siêu thị nhìn chung cao hơn ở chợ vài giá. Gạo tám Thái tại các chợ chỉ dao động trong khoảng 85.000-90.000đ/yến nhưng các siêu thị đều bán với giá 95.000-99.000đ một bì 10kg. Tuy nhiên, người tiêu dùng đều vui vẻ vì mẫu mã, hình thức sản phẩm nhìn bắt mắt, yên tâm hơn nhiều.

Vào siêu thị vẫn “ngán” rượu lậu

Khu đồ uống của siêu thị Metro không khí mua sắm rất “xôm”. Quầy bán rượu ngoại vẫn lũ lượt khách ra vào. Tuy nhiên, chủ yếu số khách chỉ vào xem, không mua hàng. Ngay phía bên ngoài quầy rượu, siêu thị tổ chức bán lẻ từng ly, phục vụ thực khách muốn thử trước.

Nhiều khách dừng chân nhưng vẫn nghi ngại hỏi cô nhân viên siêu thị, làm thế nào phân biệt rượu thật, rượu giả. Nhân viên quầy rượu quả quyết, đã vào đến đây thì không phải lo chuyện thật - giả. Nhưng gương mặt các “thượng đế” vẫn nguyên vẻ bán tín bán nghi.

Vì tâm lý lo ngại rượu giả, người tiêu dùng chuyển qua rượu nội và các loại đồ uống thay thế như bia, nước ngọt nhiều. Khu vực bày bia Heneiken liên tục hạ độ cao. Nhiều xe hàng chất ngất cả chục thùng bia tấp nập hướng ra phía cửa thanh toán. Các loại đồ uống như Peppsi, Sprize, 7up, Fanta… cũng tiêu thụ mạnh. Rất nhiều khách hỏi bia Hà Nội và rượu Vodka Hà Nội nhưng Metro không bán các sản phẩm này.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, các giỏ quà tặng đóng gói sẵn rất ít được “để mắt” đến. Cả buổi tối, hầu hết số giỏ quà vẫn xếp y nguyên. Mặt bằng giá giỏ quà tết gói sẵn cũng khá khác nhau ở các siêu thị. Tại Metro, mỗi giỏ quà có giá “khởi điểm” không dưới 500.000đ. Tại Big C, mức giá phong phú hơn, đa phần là giá “bình dân”: 80.000 - 250.000đ/giỏ.

Tầm 19h30, lượng khách đến các siêu thị càng đông, không khí càng hồ hởi. Tất cả các bàn thanh toán đều xếp hàng dài. Phương Vinh (ngõ 132 Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết chị phải xếp hàng chờ từ 21h tới gần 23h mới đến lượt được thanh toán tại siêu thị Metro.

Những ngày cuối tuần, nhiều khách mua hàng ở Big C cũng phải bỏ lại cả xe hàng đã chọn vì không đủ kiên nhẫn chờ thanh toán.

Phương Thảo - Kim Tân

Việt Báo

Quà tặng Tết vào mùa


Các giỏ quà được bọc gói xinh xắn đã bắt đầu xuất hiện tại các siêu thị, cửa hàng.

Tại các phố chuyên doanh rượu bia, bánh kẹo, đồ hộp của Hà Nội và TP HCM mấy ngày qua, những gói quà xinh xắn đã được trưng ra. Giới kinh doanh siêu thị cũng tấp nập chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu mua quà lễ tết cuối năm đang ngày một tăng.

Các cửa hàng dành toàn bộ mặt tiền để bày các giỏ quà gói sẵn trong giấy bóng kính, cài nơ đỏ sặc sỡ. Một nhân viên của shop Vân Liên trên đường Nguyễn Thông (TP HCM) cho biết mấy ngày nay khách bắt đầu đặt hàng nhiều: "Mới 3 ngày khai trương dịch vụ nhưng cửa hàng chúng tôi đã nhận gói hơn 300 phần quà cho 4 công ty. Hàng hóa khách đặt chủ yếu là rượu, trà, bánh".

Nếu như người Hà Nội tập trung đến các phố Hàng Da, Hàng Điếu, Hai Bà Trưng hay Giảng Võ để mua quà thì người TP HCM lại tìm đến đường Nguyễn Thông, Nguyễn Tri Phương. Giá cả ở đây thường "mềm" hơn, việc chọn đồ và gói quà cũng dễ dàng hơn, thậm chí khách có thể mua một phần quà với giá 50.000 đồng mà vẫn có đầy đủ các món. Theo chị Liên, chủ cửa hàng bánh, kẹo, rượu, bia thuốc lá 136A Giảng Võ (Hà Nội), thông thường, khách yêu cầu mỗi gói quà gồm một hộp bánh quy, 1 chai rượu champagne, 2 hộp kẹo nhỏ, 1 gói trà và một gói cà phê. Giá dao động trong khoảng từ 220.000 đồng đến 250.000 đồng/gói. Ở các cửa hàng khác, giá cao hơn tùy theo nhu cầu của khách, một phần quà có thể lên tới 700.000 đồng hoặc tiền triệu. Công đóng gói, kể cả giỏ, nguyên phụ liệu và trang trí cũng chỉ mất khoảng 15.000-20.000 đồng cho mỗi phần quà.

Nhân viên các shop thường nhìn vào giá cả cũng như hình thức gói quà để "phân loại" đối tượng được biếu xén. Những gói quà tặng người thân, bạn bè thường không quá cầu kỳ, giá trị chỉ vừa vừa. Nhưng quà biếu "sếp" ắt phải có rượu ngoại như Hennessy, Martell XO, từ 1,3 triệu đồng đến 2 triệu đồng/chai. "Hennessy luôn trong tình trạng khan hàng. Còn giá bán đang được điều chỉnh cao lên theo từng ngày, có ngày giá nhảy lên cả trăm nghìn. Ngày thường, chúng tôi bán Hennessy chỉ 1,1 triệu đồng là cùng", chủ cửa hàng Vân Liên ở đường Nguyễn Thông (TP HCM) tiết lộ.

Không bỏ lỡ cơ hội phục vụ thượng khách, các siêu thị cũng đang huy động nhân viên chuẩn bị quà đóng gói sẵn. Mấy năm nay, xu hướng khách hàng (đặc biệt là ở TP HCM) đến mua quà tặng tại siêu thị đông hơn, dù giá không hề rẻ. Tâm lý chung của khách hàng là mua ở các trung tâm thương mại, siêu thị, tuy giá có nhỉnh hơn chút ít nhưng chất lượng đảm bảo.

Tại siêu thị Fivimart Hà Nội, những phần quà được gói sẵn, rẻ nhất cũng gần 250.000 đồng, đắt nhất hơn 700.000 đồng. Nếu khách lựa chọn từng món quà riêng sau đó mới gói thì giá có thể lên tới hàng triệu.

Để tăng tính cạnh tranh, các siêu thị còn áp dụng nhiều chiêu khuyến mãi, tiếp thị hấp dẫn. Tại Zen Plaza ngoài việc giao hàng miễn phí, khách được chiết khấu khi mua hàng trị giá từ 5 triệu đồng trở lên, kèm theo “phiếu quà tặng” với mệnh giá từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng tùy vào giá trị thanh toán khi mua hàng. Fivimart Hà Nội nhận gói quà miễn phí cho khách hàng nếu mua ở đây. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đa dạng, Fivimart còn có dịch vụ thiết kế giỏ quà theo yêu cầu riêng.

Trao đổi với VnExpress về yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí mà Chính phủ vừa đưa ra, các cửa hàng, siêu thị đều không lo lắng sẽ bị sụt doanh số. Theo chị Liên, chủ cửa hàng ở 136A Giảng Võ (Hà Nội), Tết là dịp để bạn bè, đồng nghiệp, anh em, họ hàng thể hiện tình cảm với nhau. "Một chút bánh kẹo, một chai rượu hay một gói quà nhỏ có thể sẽ truyền tải được nhiều ý nghĩa tình cảm trong đó", chị nói. Do vậy, năm nay khách hàng sẽ vẫn mua quà bởi đó là "nhu cầu khó thiếu". Tuy nhiên, chị dự đoán có thể các món quà giá trung bình sẽ được chọn mua nhiều hơn bởi những người đi biếu cấp trên - vốn chiếm số lượng lớn sẽ đi kín đáo hơn và chọn những món quà kiểu khác.

Thận trọng hơn, anh Tuyến, chủ cửa hàng 57 Hạnh Huệ ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, vì còn cách Tết khá xa nên hiện anh vẫn vừa chuẩn bị hàng bán vừa nghe ngóng phản ứng của thị trường. Tuy nhiên, anh cũng tin rằng chỉ thị nói trên không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của cửa hàng. "Tất nhiên, để "kín đáo" hơn, khách hàng có thể yêu cầu người bán bọc gói theo cách khác khi đến nhà sếp, có thể chỉ dùng túi đơn giản, không cần bọc gói cầu kỳ, sặc sỡ như trước. Và số lượng món sản phẩm trong từng gói quà sẽ ít đi, song giá trị của chúng, ngược lại, sẽ tăng lên", anh Tuyến nhận định.

Thực tế, không phải ai đi mua quà cũng nhằm mục đích tư lợi cá nhân. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty Viethoney, chuyên kinh doanh về mật ong (TP HCM), cả năm nhân viên làm việc, cống hiến cho công ty, một món quà nhỏ sẽ là cách để cấp trên thể hiện tình cảm với nhân viên và khuyến khích họ làm việc tốt hơn. "Công ty có trên 50 người, vào dịp Tết, chúng tôi sẽ tặng mỗi người một món quà trị giá 300.000 đồng. Trước tết 15 ngày chúng tôi sẽ đi đặt hàng", ông Hậu cho biết.

Phó phòng quảng cáo tiếp thị của hệ thống Saigon Co.op, ông Quang Khanh cũng cho rằng, việc có thực hiện được chỉ thị hay không là thuộc về những người lãnh đạo trong các bộ ngành và doanh nghiệp, còn thị trường thì vẫn hoạt động bình thường. Và so với mọi năm thì sức mua quà Tết năm nay có chiều hướng tăng

Hàng quá date tung hoành


Thời điểm cuối năm, lợi dụng sức mua tăng cao, hàng quá date, hàng giả, hàng nhập lậu đã ra sức tung hoành. Dù thực tế này đã được lặp đi lặp lại nhiều năm, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu.


Ghi nhận chỉ trong một tuần của tháng cận Tết Nguyên đán, Đội 7B đã phát hiện tại một kho hàng ở phường Phú Thuận, quận 7 (TP HCM), có chứa đến gần 18 tấn hàng thực phẩm gồm mì, kem, cá khô, thịt khô, bánh, kẹo nhập lậu đều đã cận hoặc quá hạn sử dụng. Khi đem mẫu hàng đi xét nghiệm, kết quả còn “rùng mình” hơn: Trên 50% số hàng này đều bị nhiễm e.coli.

Theo lời khai của một nhân viên tại kho hàng, thì số hàng này do một người Hàn Quốc nhập để chuẩn bị phân phối cho hệ thống cửa hàng bán lẻ, kinh doanh thực phẩm thuộc địa bàn một số quận trung tâm, đông dân cư như quận 1, quận Tân Bình và quận 5 (TP HCM). Ngoài ra, một số tiểu thương của các tỉnh phía nam như Cần Thơ, Nha Trang cũng đã đặt mua hàng này để kinh doanh trong dịp Tết.

Cùng trong tình trạng này, những kiểm tra mới đây của cơ quan quản lý thị trường TP HCM cho biết, thực phẩm có nguồn gốc ngoại nhập, chủ yếu từ Trung Quốc,Thái Lan đang được “ngụy trang” thành hàng “made in Korea”. Thậm chí, những thực phẩm này còn có “độc chiêu” để ngụy trang thời hạn sử dụng một cách rất tinh vi.

Nhận định này được minh chứng khi nghe người bán hàng của cửa hàng Tiện Ích (góc đường Lý Chính Thắng, Trương Định, quận 3) cho biết, căn cứ vào thông tin ghi trên bao bì, loại kem nhập từ Hàn Quốc mà cửa hàng đang kinh doanh có hạn sử dụng kéo dài hơn 2 năm.

Bằng suy luận thông thường cũng đủ hiểu đây là loại thực phẩm có chất lượng ra sao, bởi với thực phẩm là kem tươi ăn liền thì không thể có thời hạn kéo dài đến vậy, trừ khi được ghi thời hạn sử dụng là rởm. Và cũng với kiểu “kê khống” thời hạn sử dụng thực phẩm kiểu này, hầu hết các loại thực phẩm được kinh doanh tại đây đều có thời gian sử dụng kéo dài đến “bất thường”.

Tại cuộc họp mới đây của UBND TP HCM với các ban, ngành chức năng để triển khai công tác tổ chức đón Tết Đinh Hợi 2007, kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hoà, Trưởng phòng Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm - Sở Y tế, đã đưa ra lời cảnh báo: Một điều khó tưởng tượng nhưng lại đang rất phổ biến trong thực tế, đó là nơi tiêu thụ chủ yếu các loại thực phẩm quá hạn sử dụng chính là những giỏ quà gói sẵn.

Nhận định này cũng được một chủ cửa hàng tạp hoá khu vực chợ Tân Bình thừa nhận với cơ quan chức năng, những gói quà tết chủ yếu nhìn cho đẹp mắt, chứ thật ra chất lượng sẽ không được đảm bảo bằng những hàng mà khách hàng chọn mua riêng lẻ.

Để cạnh tranh giá cả thì hầu hết các loại thực phẩm cận hoặc quá hạn sử dụng, sản phẩm méo mó (mà giới kinh doanh gọi chung là hàng “dạt”) sẽ được dùng vào việc gói giỏ quà tết. Chính vì vậy, giá một giỏ quà tết gói sẵn bao giờ cũng rẻ hơn nhiều so với cũng những mặt hàng này mà khách mua từng món, vì khách không thể kiểm tra hạn sử dụng của từng sản phẩm. Điều này tiểu thương lý giải với khách hàng là mua nhiều được giảm giá, song thực chất là hàng cận hoặc quá hạn sử dụng.

(Theo Lao Động)

Mua sắm Tết: Chợ đìu hiu, siêu thị hút khách

n Hoàng Hà
Còn 2 tuần nữa mới đến Tết, song lượng người mua sắm tại các trung tâm thương mại và siêu thị tại Hà Nội đã bắt đầu gia tăng.

Siêu thị hút khách

Tại các siêu thị lớn ở Hà Nội như Big C, Fivimart Tông Đản, Intimex Bờ Hồ, Hapro Mart Giảng Võ..., lượng khách đến mua sắm đã đông hơn ngày thường, đặc biệt là buổi chiều tối và hai ngày nghỉ cuối tuần.

Nhân viên bán hàng của Hapro Mart Giảng Võ cho biết, những ngày này khách đến mua sắm nhiều hơn so ngày thường khoảng 20-30%. Từ nay cho đến cận Tết, lượng khách chắc chắn còn đông hơn.

Tại siêu thị Big C Thăng Long, đại siêu thị bán lẻ lớn nhất Hà Nội, những ngày này lúc nào cũng đông nghịt người. Bãi gửi xe máy lẫn ôtô ở siêu thị luôn chật kín chỗ. Vào các giờ cao điểm, 36 quầy tính tiền đều mở để phục vụ khách, vậy mà vẫn trong tình trạng quá tải.

Chị Lan Hương, một khách hàng ở Thanh Xuân, cho biết đây là thời điểm để mua sắm Tết tốt nhất, vừa có nhiều thời gian để lựa chọn các mặt hàng, vừa không mất thời gian nhiều để chờ thanh toán. Chưa kể những ngày tới, giá cả một số mặt hàng có thể tăng cao hơn.

Song dường như nhiều người cũng có cùng suy nghĩ như chị Hương. Nhìn xe hàng của chị chất đống những hộp bánh, kẹo, rượu, dầu ăn, cà phê, chè và các loại hàng khô như bánh đa nem, mộc nhĩ, nấm hương... chen vào khu quầy thanh toán đang ngồn ngộn những xe hàng khác, mới thấy thời điểm này có lẽ vẫn còn hơi muộn!

Chợ đìu hiu

Trong khi các siêu thị đã bắt đầu “hút” khách thì ngược lại, tại các quầy hàng bán lẻ tại các chợ, các khu phố vẫn khá đìu hiu người mua sắm, ngoại trừ những người mua các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Song ngay cả những mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày cũng đã kém sức hút hơn đối với người tiêu dùng Hà Nội. Đặc biệt là mặt hàng trứng gia cầm, ngay sau khi cơ quan chức năng công bố thông tin kết quả kiểm tra ngẫu nhiên và phát hiện trong một số mẫu trứng gà, vịt phát hiện có nhiễm chất sudan cao hơn so với mức tiêu chuẩn thông thường thì mãi lực mặt hàng này giảm hẳn.

Theo giới tiểu thương tại một số chợ ở Hà Nội, mặc dù đang vào mùa tiêu thụ cao, song trong những ngày qua lượng trứng bán ra giảm khoảng 50-70% so với tuần trước.

Tại các khu phố chuyên kinh doanh bánh kẹo như Hàng Buồm, Hàng Da, Hai Bà Trưng… mặc dù các mặt hàng bánh, kẹo, rượu, bia... cũng phong phú và đa dạng về chủng loại, kể cả ngoại lẫn nội như trong các siêu thị, thế nhưng đến thời điểm này, khách đến mua vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nhiều mặt hàng, đặc biệt là rượu ngoại, hầu như rất ít khách hỏi mua sau khi liên tiếp các thông tin về tình trạng rượu lậu, rượu giả tràn lan. Theo các hộ kinh doanh rượu tại chợ Hàng Da, nếu như năm ngoái, những ngày này, lượng khách đến mua rất đông, nhưng năm nay thì quá “thưa thớt”.

Chị Nga, một khách hàng nói: “Thực tế thì giá cả ở các siêu thị có đắt hơn chút ít song tôi vẫn thấy yên tâm hơn về chất lượng”. Siêu thị và các trung tâm thương mại đang tỏ rõ sức cạnh tranh ghê gớm trước các hộ kinh doanh lẻ.

Phong phú giỏ quà Tết

Theo quan sát, đa số khách hàng mua sắm Tết thời điểm này đều tập trung vào các món hàng làm quà biếu, quà tặng Tết nên lượng mua khá nhiều, trị giá cao. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều siêu thị đã chủ động đưa thêm nhiều giỏ quà tặng hấp dẫn với nhiều mức giá khác nhau và những thông tin sản phẩm rõ ràng để khách hàng lựa chọn.

Chuyên nghiệp nhất phải nói đến Big C. Theo chị Nguyễn Thanh Huyền, Trợ lý giám đốc Big C, dịp Tết năm nay, Big C đã chuẩn bị hàng trăm giỏ quà Tết các loại, có giá từ 80.000-1.000.000 đồng, với nhiều tên gọi thay cho lời chúc như “May mắn”, “Phát lộc”, “Xuân như ý”, “Tân xuân”, “Mai vàng sắc xuân”, “Thịnh vượng”, “Hạnh phúc”, “An khang”, “Mã đáo thành công”....

Chuỗi siêu thị Hapro Mart mới ra đời cũng không kém cạnh, khi đã chuẩn bị sẵn nhiều giỏ quà với các mức giá khác nhau, từ 200.000 đồng trở lên.

Một nhân viên của Hapro Mart Giảng Võ cho biết, ngoài các giỏ quà gói sẵn, Hapro Mart còn nhận thêm các dịch vụ gói quà cho khách với chi phí 18.000 - 20.000 đồng/lẵng (tùy vào chất liệu giấy và nơ).

Trằn trọc chọn quà Tết biếu sếp

Trong những ngày cuối năm, các trung tâm thương mại, khu chợ, siêu thị đều đông nghịt người. Ngoài việc mua sắm đồ dùng cho gia đình, hầu hết các khách hàng đều lựa chọn quà biếu cho cha mẹ, người thân, và đặc biệt là cho các sếp. Sếp càng cao thì quà càng phải cầu kỳ và “chất lượng”.

Giáp Tết, quà biếu tràn ngập thị trường. Từ những giỏ quà trị giá từ 100 ngàn cho đến hàng triệu trở lên. Trong các siêu thị lớn của Hà Nội như Metro, Intimex, Fivimart, quầy hàng bán quà tết được bày ngay cửa vào.

Đó là chưa kể đến những nơi bán các loại rượu giá từ vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn, có chai lên đến cả tiền triệu như trên đường Hai Bà Trưng, chợ Hàng Da, Trần Xuân Soạn…

Giỏ quà tết tràn ngập trong các siêu thị.

Theo quan sát của VTC News, khách mua giỏ quà thường là những người đi biếu người thân, cô giáo vì vừa túi tiền. Giá của mỗi giỏ quà từ 100-900 nghìn đồng. Còn những khách mua rượu “xịn” thường là mua để biếu quan chức vì dễ dàng gói trong giấy cho kín đáo…

"Lệ rồi, phải theo thôi"

Với những người mức thu nhập còn eo hẹp thì chuyện quà cáp là một điều hết sức băn khoăn.

Chị Lệ Trâm, cư ngụ ở Cầu Giấy, Hà Nội, tâm sự: “Năm nào cũng vậy, thực sự thì em cũng chẳng dư dả gì, nhưng ngày Tết thì bắt buộc phải có quà cho các cô giáo của con, tại vì... ai cũng vậy".

"Khi mua quà biếu, em cũng phải so đo tính toán lắm, chẳng hạn như tiền biếu là bao nhiêu, quà như thế nào. Nếu mình cho ít quá thì sẽ có cảm giác như con mình không được chăm sóc đàng hoàng. Quà Tết cho các cô giáo của hai con em là khoảng 500 ngàn, trong khi lương của em một tháng chỉ được khoảng 1 triệu rưỡi".

Đám công nhân của công ty chuyên sản xuất nồi inox thì lại phải ngồi với nhau để bàn xem ông quản đốc thích gì và chung tiền mua như thế nào. Sau một hồi thảo luận, họ quyết định chia làm hai nhóm. Một đi mua 5 két bia Hà Nội vì “sếp” nghiện bia. Một nhóm lên Nhật Tân tìm mua một cây đào hoành tráng.

Công ty thưởng tết cho mỗi công nhân 500 nghìn đồng, nhưng tiền mua quà cho sếp đã hết 250 nghìn rồi. Anh Đặng Đức Huynh thở dài nói: “200 nghìn còn lại chẳng đủ để tôi mua bánh kẹo về quê và quà tết cho vợ con. Nhưng lệ rồi, phải theo thôi”.

Trằn trọc chọn quà cho sếp

Đối với doanh nghiệp thì việc biếu quà Tết còn phổ biến hơn. Cuối năm, doanh nghiệp nào cũng phải đặt giỏ quà để biếu khách hàng, đối tác và lãnh đạo các cơ quan chức năng “giúp đỡ” họ thuận tiện trong kinh doanh.

Tiền quà tết lên đến hàng trăm triệu đồng. Song doanh nghiệp nào muốn không gặp khó khăn và trở ngại thì đều phải tuân theo qui luật ấy.

Anh Nguyễn Văn Huy, giám đốc một cơ sở chuyên sản xuất các nguyên liệu làm khung tranh, có trụ sở ở quận Đống Đa, cho biết: “Ai làm kinh doanh thì đều vậy. Tuỳ theo mỗi người, người ta thích cỡ nào, thì mình phải chiều theo như thế. Nếu mình ngoại giao lớn hơn, thì phải biếu xén lớn hơn. Biếu xén đôi khi là điều thuận lợi cho việc làm ăn”.

Để có cái bước đệm ấy mà nhiều người đã phải trằn trọc chọn quà cho hợp với sếp.

Anh Đức Bình, Giám đốc một công ty thương mại, đã chọn mua một chai rượu hình tháp Effel cao gần 1m giá 7 triệu đồng. Được một người bạn giới thiệu, anh mới lùng mua được món quà đặc biệt như vậy để tặng cho lãnh đạo đơn vị chủ quản của công ty.

Công ty Thiên Đức thì lại đặt hẳn một con lợn giả ngọc để tặng cho một vị lãnh đạo cấp cao nhân dịp đón năm Đinh Hợi. Giám đốc của công ty hy vọng đây là một món quà độc nhất vô nhị và người nhận sẽ hài lòng.

Việc biếu quà tết dường như đã trở thành thông lệ của người Việt hiện đại. Tuy nhiên, ở một vài công ty của nước ngoài, thì lại có chính sách nghiêm cấm về việc nhận và tặng quà rất ngặt.

Công ty S& J Johnson, chuyên sản xuất các chất tẩy rửa có mùi thơm yêu cầu tất cả nhân viên không được nhận quà của bất kỳ ai và cũng không gửi quà cho ai. Trong trường hợp các nhà cung cấp họ gửi quà trực tiếp, thì các quà đó sẽ lưu lại, làm thành giải thưởng cho trò bốc thăm trúng thưởng trong những bữa tiệc.

Trịnh Vũ